Cách làm mắm tôm sao cho dậy mùi, đậm đà và để được lâu ngày là điều không phải ai cũng biết. Mắm tôm là nước chấm gia vị hấp dẫn thường được dùng để ăn kèm cùng nhiều món ăn – như bún đậu, bánh tráng cuốn thịt heo,…Hiện nay, có rất nhiều nơi bán mắm tôm không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, bạn hãy tự tay làm những hũ mắm tôm thơm ngon và chất lượng ngay tại nhà theo các công thức sau đây nhé.
1. Hướng dẫn cách làm mắm tôm miền Bắc chuẩn vị và cay nồng
1.1. Nguyên liệu làm mắm tôm
Cách làm mắm tôm ngon sạch tại nhà rất đơn giản nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu dễ kiếm. Để thực hiện món mắm tôm ngon chuẩn vị và cay nồng tại nhà, bạn cần có đầy đủ các nguyên liệu sau:
- Tôm đồng loại vừa: 1 kg
- Muối biển hạt to: 0,5 kg
- Rượu trắng: 20 ml
- Dụng cụ: Âu sành, hũ đựng, rổ rá
1.2. Cách làm và ủ mắm tôm đen kiểu miền Bắc
1.2.1. Bước 1: Sơ chế và xay tôm
- Bước đầu tiên trong cách làm mắm tôm chính là đem tôm đi sơ chế. Bạn đổ tôm ra rổ, nhặt sạch rơm rác và tạp chất rồi đem tôm đi rửa nhiều lần với nước sạch. Sau đó, bạn cho tôm ra rổ để ráo nước.
- Cho toàn bộ tôm đã rửa sạch vào máy xay, thêm muối và rượu trắng vào rồi xay cho đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn. Trong khi xay bạn không nên thêm nước vì sẽ khiến mắm tôm dễ bị hỏng trong quá trình ủ.
- Bên cạnh cách xay mắm tôm, bạn cũng có thể thử áp dụng phương pháp giã mắm như người dân một số vùng biển thường thực hiện. Tuy nhiên, cách này khá tốn thời gian và chất lượng mắm tôm cũng không bằng cách xay.
1.2.2. Bước 2: Hướng dẫn cách ủ mắm tôm
- Chuẩn bị hũ nhựa hoặc hũ thủy tinh sạch để đựng mắm sau khi ủ nhé. Bạn đổ mắm đã xay vào âu sành rồi đậy kín nắp lại. Bạn tuyệt đối không được mở nắp, khi ủ mắm phải đảm bảo không có không khí ở ngoài lọt vào.
- Đặt âu mắm ở nơi khô thoáng, khi trời nắng, bạn đem âu mắm ra phơi nắng tầm 4 – 6 tiếng cho mắm lên men chuẩn nhất. Sau 5 – 6 tháng bạn có thể bắt đầu sử dụng mắm tôm.
1.2.3. Mắm tôm chấm với gì ngon nhất?
Cách làm mắm tôm thường được dùng để pha nước chấm ăn kèm bún đậu, thịt heo luộc, cà pháo,…Ở miền Bắc, nhiều người còn chấm mắm tôm với xoài chua để tráng miệng. Tùy khẩu vị mà bạn kết hợp món nước chấm này cho phù hợp nhé.
2. Hướng dẫn cách làm mắm tôm chua miền Tây ngon đúng điệu
2.1. Nguyên liệu làm mắm tôm chua miền Tây
Ngoài công thức mà chúng tôi vừa hướng dẫn, bạn cũng có thể tự thực hiện cách làm mắm tôm chua miền Tây thơm nồng để ngâm với đu đủ bằng cách chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Tôm: 500 gram
- 1 củ riềng nhỏ 100 gram
- 3 củ tỏi
- ½ quả ớt chuông đỏ
- 5 quả ớt cay
- 15 gram muối
- 15 ml nước mắm
- 40 gram đường
- 200 ml rượu trắng
- 2 thìa canh đầy bột gạo nếp
- 200 ml nước
2.2. Cách làm mắm tôm chua miền Tây
2.2.1. Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Để thực hiện cách làm mắm tôm chua miền Tây ngon đúng vị, bạn cần chọn mua tôm đất tươi và thịt chắc. Như vậy thì tôm sau khi muối chua sẽ không bị bở, nát. Đem tôm đi rửa sạch với nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo.
- Củ riềng bạn rửa sạch, gọt vỏ rồi thái sợi, ớt chuông thì rửa sạch, chẻ đôi, bỏ ruột rồi thái lát nhỏ. Bạn đem tỏi đi bóc vỏ rồi thái lát, ớt cay thì bỏ hạt và thái sợi. Tùy vào khẩu vị ăn cay mà bạn tăng hoặc giảm lượng ớt cho phù hợp.
2.2.2. Bước 2: Ngâm tôm và làm nước chua
- Cho tôm vào tô lớn, đổ ½ lượng rượu trắng vào ngâm khoảng 30 phút. Tiếp đến, bạn vớt tôm ra, cắt râu, bỏ vỏ phần đầu tôm và rút chỉ lưng đen. Sau đó, bạn cho tôm vào tô ngâm lại một lần nữa cùng lượng rượu trắng còn lại. Bạn ngâm tầm 30 phút là được.
- Đun sôi 2 thìa canh bột nếp cùng 200 ml nước, bạn khuấy đều và đun tới khi bột chín chuyển qua màu trong thì cho muối, nước mắm, đường vào khuấy đều, sau đó tắt bếp và để nguội.
- Đổ bột nếp vừa đun cùng ½ lượng riềng, ớt chuông và tỏi vào máy xay rồi xay nhuyễn. Khi xay xong, bạn đổ hỗn hợp ra tô và trộn đều cùng lượng riềng, ớt, tỏi còn lại.
2.2.3. Bước 3: Cách ủ làm mắm tôm chua
- Sau khi ngâm rượu xong, bạn vớt tôm ra xếp vào hũ đựng đã chuẩn bị, nhớ xếp xen kẽ với riềng và ớt nhé. Đổ hỗn hợp nước chua vào rồi đậy kín, đặt ở nơi khô thoáng. Dùng vật nặng ấn xuống để cho tôm ngập trong hỗn hợp.
- Vào ngày nắng, bạn đem hũ mắm tôm ra phơi nắng để giúp tôm đỏ và nhanh chua hơn. Bạn chỉ cần phơi khoảng 1 tuần là có thể ăn được. Nếu trời không có nắng thì bạn ủ ở nơi khô ráo tầm 10 – 12 ngày. Bạn nhớ bảo quản tôm chua trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần nhé.
3. Hướng dẫn cách làm mắm tôm chua Huế đậm đà hương vị
3.1. Nguyên liệu làm mắm tôm chua Huế
Mắm tôm chua là đặc sản khá nổi tiếng của xứ Huế, thường được ăn kèm cùng với thịt luộc, bún hoặc cuốn gỏi. Nguyên liệu cần chuẩn bị để thực hiện cách làm mắm tôm chua Huế gồm có:
- 500 gram tôm tươi
- 1 chén bột nếp
- 2 muỗng cà phê muối
- 2 trái ớt đỏ lớn tạo màu
- 15 trái ớt chỉ thiên tạo vị cay
- 2 củ riềng lớn
- 2 củ tỏi
- 500 ml rượu trắng
3.2. Cách làm mắm tôm chua Huế đậm đà
3.2.1. Bước 1: Sơ chế tôm và làm nước trộn
- Để tôm nguyên con và đem rửa sạch, sau đó để ráo rồi cho tôm vào ngâm trong rượu trắng tầm 30 phút. Hết thời gian, bạn vớt tôm ra, cắt râu, rút chỉ đen trên lưng rồi ngâm tiếp với rượu trắng thêm 30 phút cho tôm ửng đỏ.
- Đổ 1 chén bột nếp, 3 chén nước và ít muối vào nồi rồi khuấy đều. Đặt nồi lên bếp đun cho tới khi bột chín thì bắc xuống và để nguội. Đem củ riềng, tỏi, ớt chuông đi rửa sạch rồi thái sợi, ớt chỉ thiên thì đem xay nhuyễn.
3.2.2. Bước 2: Trộn tôm và ủ tôm chua
- Sau khi bột nguội, bạn trộn đều tôm cùng với bột, đường, muối, riềng, tỏi, ớt xay sao cho bột phủ đều mỗi con tôm. Xếp tôm vào hũ thủy tinh rồi đậy kín. Bạn dùng thanh tre hoặc đũa ấn xuống để tôm không nổi lên trên, như vậy tôm sẽ chín đều hơn.
- Đặt hũ tôm ở nơi thoáng mát tầm 5 – 6 ngày, khi thấy tôm đỏ và dậy mùi thơm, khi thử có vị hơi chua thì tức là mắm tôm chua đã hoàn thành rồi đó. Cho hũ tôm chua vào tủ lạnh để bảo quản nhé.
4. Cách pha nước chấm mắm tôm kiểu Thái
4.1. Nguyên liệu
Công thức mắm tôm truyền thống này dường như gắn với kí ức tuổi thơ của mỗi người Thái. Trong ngôn ngữ của “xứ sở chùa Vàng”, mắm tôm có tên gọi là kapi. Mắm tôm Thái có mùi tanh, nồng nặc và lưu giữ lâu trong hơi thở, giống cách làm mắm tôm của người Việt. Tuy nhiên, đây vẫn là món đặc sản đáng tự hào của người Đông Nam Á nói chung, bởi quá trình ủ lên men mắm vô cùng tỉ mỉ, mà hương vị thì ngon khỏi chê. Để thực hiện món kapi này (Nguồn: ImportFood), bạn chuẩn bị:
- 2 muỗng canh mắm tôm
- Ít đường cọ (số lượng tùy khẩu vị)
- 4 tép tỏi
- 6 con tôm khô
- 7 trái ớt tươi Thái Lan
- 3 muỗng canh nước cốt chanh tươi
- 3 muỗng canh nước mắm ngon
- 3 muỗng canh đường
- 1 muỗng canh cà tím Thái
4.2. Cách làm mắm tôm pha lỏng kiểu Thái
Từng đề cập trong cách làm nộm đu đủ, người Thái thường dùng cối để giã nhuyễn và chế biến các món ăn đặc sản của mình. Công thức làm mắm tôm này cũng thế. Theo đó, bạn thực hiện các thao tác như sau:
- Cho tôm khô vào cối, dùng chày giã nhuyễn thành bột.
- Sau đó, đổ bột tôm khô ra riêng một chén sạch.
- Cho mắm tôm và tỏi vào cối, giã nhuyễn, rồi đổ bột tôm khô vào, trộn chung.
- Thêm ớt tươi, 1/2 phần cà tím vào trộn đều với hỗn hợp trên.
- Pha đường cọ, nước cốt chanh, nước mắm vào và nêm mắm tôm cho vừa vị.
- Dọn nước chấm ra chén, trang trí bằng 1/2 cà tím còn lại và thưởng thức.
5. Nguồn gốc của nước chấm mắm tôm trong ẩm thực Việt
Mắm tôm là nước chấm được chế biến bằng cách lên men hải sản truyền thống của người Đông Nam Á nói chung, người Việt nói riêng. Nói thế là bởi, người Thái, Campuchia, Indonesia,…cũng có cách làm mắm tôm của riêng mình. Món nước chấm này có hương vị lên men từ xác hải sản nên rất nồng, khó ăn. Tuy nhiên, nếu biết cách pha chế và sử dụng, thì mắm tôm xứng đáng là nước chấm đặc sản của người Việt mà khi ăn thịt luộc, bún đậu,…đều không thể thiếu món mắm lên men này.
Cách làm mắm tôm mỗi vùng, miền có thể khác nhau – từ độ lỏng, đến đặc sệt – tùy khẩu vị từng người, từng nhà. Vốn bắt nguồn từ miền Bắc, nhưng mắm tôm dần trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh phía Nam, Trung. Để thưởng thức cùng các món ngon khác, mắm tôm mua về hoặc sau khi tự ủ thì cần trải qua công đoạn pha chế. Thông thường, người ta trộn đường, nước cốt chanh, tắc, và ớt để pha với mắm tôm để tăng hương vị.
Có thể thấy cách làm mắm tôm không hề khó chút nào, bạn có thể mua nguyên liệu và tự tay làm một hũ mắm tôm thơm ngon đậm đà tại nhà. Khi thưởng thức, bạn dùng thìa sạch múc mắm tôm ra bát rồi đậy kín nắp lại. Mắm tôm ăn kèm cùng với thịt luộc, rau luộc, bún hay cuốn gỏi đều rất ngon. Chỉ với một chút thời gian, bạn sẽ có ngay hũ mắm tôm thơm nồng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguyễn Diên tổng hợp
Đăng nhận xét